Tôi là người làm công việc gì?

tháng 3 11, 2019 0 Comments A+ a-

Chương 4: Cuộc sống

“Đừng quá để tâm đến cái nhìn của người khác,
Cũng đừng quá phân vân giữa cái này và cái kia.”

Tôi là người làm công việc gì?

Khi tôi mặc áo nhà sư đi trên thành phố Manhattan, New York, thỉnh thoảng có vài chú bé da đen đột nhiên nhảy ra trước mắt tôi và bắt chước hành động như Lý Tiểu Long. Lúc đầu tôi thắc mắc không hiểu tại sao chúng lại làm vậy, nhưng đi được một lát, tôi bật cười, vì đứng trên lập trường của chúng, nếu nhìn thấy người mặc trang phục nhà sư như tôi chắc hẳn chúng sẽ nghĩ rằng “Chắc ông ấy là người biết võ thuật”. Đôi khi còn có vài đứa bé bạo gan hơn đến hỏi tôi rằng tôi có biết kungfu như các nhà sư ở Thiếu Lâm tự hay không. Mỗi lần như thế, tôi lại có ham muốn giả vờ vào thế kungfu, muốn hô lớn “Hây da”, vung tay giơ chân, kèm theo ánh mắt mạnh mẽ.

Trong khi đó, những người trưởng thành khi biết rằng tôi là một nhà sư đến từ Hàn Quốc, họ thường nhìn tôi với ánh mắt tò mò và hỏi.
“Sư thường thiền kiểu gì?”
“Một ngày sư dành ra mấy tiếng để tu hành?”
Sau khi nhận được những câu hỏi này, tôi nhận ra rằng đối với người Mỹ thì đặc điểm quan trọng nhất của các nhà sư là “người tu hành ngồi thiền”.

Tuy phản ứng của trẻ con và người lớn ở Mỹ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nếu tôi giới thiệu mình là “nhà sư” thì họ sẽ nghĩ rằng tôi biết kungfu hoặc là một người biết ngồi thiền. Nghĩa là khi nói “Tôi là người làm công việc gì đó” thì có những khái niệm được mặc định cho công việc đó. Đó là cách suy nghĩ của người phương Tây, quyết định ai đó là người như thế nào tuỳ theo lời giới thiệu “Tôi là người làm công việc này”.

Và khi tôi quay lại Hàn Quốc, cũng có nhiều câu hỏi khác chờ đợi tôi. Câu đầu tiên mà những người Hàn Quốc hỏi tôi đa phần đều rất giống nhau. 
“Hiện giờ sư đang ở chùa nào?”
“Sư đến từ chùa nào?”
Có lẽ người ta quan tâm nhất về một nhà sư, là nhà sư đó thuộc dòng nào, xuất thân từ chùa nào và hiện đang ở chùa nào. 

Những người Hàn Quốc đang sống ở Mỹ cũng tương tự, sau khi chào hỏi những người mới gặp họ sẽ hỏi nhau những câu hỏi này.
“Giờ anh đang dự lễ ở nhà thờ nào?”
“Chị có đi lễ chùa không? Chị hay đi chùa nào?”
Những câu hỏi này cho chúng ta thấy người Hàn Quốc xem trọng xuất thân, chức vụ của một người nào đó như thế nào khi có cái nhìn đầu tiên về người đó. Thay vì tìm hiểu xem người khác hiện tại đang làm gì và có thể làm gì, người ta lại chú trọng việc người đó hiện đang thuộc nhóm, tập  thể nào hơn.

Chúng ta đang tạo nên sự khác biệt lớn trong quá trình tìm hiểu về một người nào đó - cái quá trình diễn ra hằng ngày bất kể ở trường học hay nơi làm việc. Những câu hỏi được thốt ra không chần chừ, cùng những suy nghĩ chứa trong đó, đối với một người đang tu hành tại Mỹ như tôi là cả một bài học lớn.

Mỗi khi về Hàn Quốc, tôi luôn thắc mắc tại sao người Hàn Quốc lại chú trọng học vấn đến thế. Dĩ nhiên ở Mỹ hay các nước phương Tây khác, những người tốt nghiệp từ các trường đại học lớn hoặc có học vấn rộng cũng được công nhận và xem trọng. Nhưng việc sau khi học xong họ làm được những việc gì còn quan trọng hơn, và chuyện họ từng học trường nào dần dần trở nên vô nghĩa. 

Một ví dụ có thật, Steve Jobs của hãng Apple, ông xin vào trường Đại học Reed của bang Oregon và nghỉ học khi chỉ mới kết thúc học kỳ đầu tiên. Nếu là người am hiểu về nền giáo dục Mỹ thì sẽ biết Reed là một trường đại học danh tiếng. Nhưng thường thì người Hàn Quốc chỉ biết đến Liên đoàn Ivy ở miền Đông Bắc nước Mỹ, nên sẽ dễ nghĩ rằng Reed là một trường đại học ở miền Tây không mấy tiếng tăm.

Nếu Steve Jobs không phải người Mỹ mà là người Hàn Quốc, thì vì lý do không có bằng cấp, chắc chắn các kế hoạc của ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại đa số người Hàn Quốc khi đánh giá một ai đó, thường họ sẽ chú ý đến chi tiết người đó đang thuộc tổ chức nào hơn là chú ý đến việc người đó đang làm. Cho dù có nói rằng mình đang ấp ủ kế hoạch thành lập công ty Apple, thì Steve Jobs cũng sẽ bị cho rằng “Chắc chắn ý tưởng của ông ta sẽ sẽ chẳng có gì xuất sắc đâu” chỉ vì ông không tốt nghiệp trường Harvard, hay Princeton, Yale… và sẽ không có ai muốn giúp đỡ ông.

Tôi cảm thấy rất tiếc. Bởi tôi mơ đến một xã hội có cách đánh giá con người bắt đầu từ câu hỏi “Người đó có thể làm gì? Và người đó đang định làm gì?” Nếu đi tìm chân tướng của ai đó ở trong tổ chức hoặc trong điều kiện sống của họ, thì ta chỉ có thể thấy được “quá khứ” của người đó mà để sót “hiện tại”. Chính vì vậy chỉ những người sinh ra trong hoàn cảnh tốt, tốt nghiệp trường đại học lớn, hoặc có thành tích trong quá khứ mới liên tục nhận được những cơ hội thành công. Còn những người có khả năng, có tài, chỉ vì do hoàn cảnh sống không tốt, không có xuất thân lẫy lừng mà đến một cơ hội để thử cũng không được chạm tới và chẳng còn con đường nào khác dành cho họ ngoài con đường thất bại.

Mỗi khi nhận được câu hỏi “Chú có biết võ kungfu không?” từ mấy đứa trẻ, hay mỗi khi nhìn thấy chúng bắt chước Lý Tiểu Long trước mặt mình, tôi lại nghe văng vẳng trong tai câu hỏi ấy.
“Rốt cuộc tôi là người làm công việc gì.”
Liệu có phải vì tôi đã chểnh mảng những công việc mà mình phải làm sau khi tự xếp mình vào nhóm “nhà sư” hay không?
“Tôi đang nhìn người khác bằng con mắt nào?”
Liệu khi gặp gỡ ai đó, tôi có đánh giá giá trị của họ chỉ bằng thông tin về tổ chức mà họ đang thuộc về?
Là một người không ngừng học hỏi và tự vấn bản thân.
Tôi cảm thấy được an ủi sau khi rút ra được một bài học từ câu hỏi của mấy đứa trẻ. Rằng tôi đang “làm gì”, và tôi phải “làm gì”.


Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Đại đức Hae Min