Vì một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa

tháng 3 02, 2019 0 Comments A+ a-

Chương 3: Tương lai

“Cuộc sống không phải là cuộc chiến cạnh tranh với những người khác,
Mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình.”

Vì một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa

“Tôi đã bị lừa!”
Cuối những năm 80, vừa vào cấp ba chưa được một tháng thì tôi đã trải qua cảm giác thất vọng và phẫn nộ sâu sắc nhất cuộc đời mình. 
từ nhỏ cho đến những năm cấp hai, tôi là một học sinh rất nghe lời thầy cô và chăm chỉ học hành, năm nào cũng xếp nhất nhì trường, không thì cũng thuộc loại khá giỏi. Có lần tôi hỏi thầy chủ nhiệm rằng tôi có nên vào một trường chuyên ngoại ngữ để học cấp ba như vài bạn cùng lớp hay không. Nhưng thầy đã khuyên tôi hãy học ở một trường bình thường, vì trường chuyên sẽ dễ bị áp lực và căng thẳng. Thế nên tôi đã nghe lời thầy, đăng ký vào một trường cấp ba bình thường ở khu Gangbuk, Seoul. 

Khi nhập học, trước khi chia lớp tôi được phát cho 1 tờ đăng ký chọn học ngoại ngữ thứ hai là tiếng Đức hay tiếng Pháp, cũng như muốn được xếp vào khoa Toán hay khoa Văn. Theo lời một anh mà tôi quen thi trường này có truyền thống “khoa Toán, lớp tiếng Đức” luôn là lớp học giỏi. Vì tính tôi không hợp với khoa Toán mà hợp với khoa Văn hơn, nên tôi đã cân nhắc cả điểm số cùng tính cách của mình và chọn “khoa văn, lớp tiếng Đức”. Thế nhưng đến ngày khai giảng, sau khi tất cả học sinh năm đầu chúng tôi được gọi ra sân vận động trường, thầy giáo tiếng Đức bước ra phát biểu. Thầy nói rằng dù bản thân là người dạy tiếng Đức, thẩy vẫn nghĩ rằng tiếng Pháp là thứ ngoại ngữ được sử dụng rộng rãi hơn cả, và cho dù là giáo viên tiếng Đức, nếu có con thầy sẽ để cho con thầy học tiếng Pháp. Cứ thế, thầy tiếp tục bài diễn thuyết ca ngợi tiếng Pháp kéo dài gần 45 phút đồng hồ. Thật ra khi đó tôi rất thích các bộ phim của đạo diễn Pháp như Luc Besson, Leos Casas, Jean Jaques Beineix, thế nên trước bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của thầy giáo tôi đã chuyển sang lớp tiếng Pháp. 

Và tôi đã bị lừa như thế. Đến khi chia lớp xong xuôi, sự thật hoàn toàn khác với những gì tôi chờ đợi!

Trong số sáu lớp, chỉ có hai lớp tiếng Pháp, và đúng như dự đoán thành tích học tập của hai lớp này cũng thấp nhất. Sự thật này được các thầy cô dạy các môn khác xác nhận lại nhiều lần. Các thầy cô khi ấy dường như cũng ghét việc phải dạy đám học sinh ở vùng ngoại ô Gangbuk chúng tôi chứ không được dạy học sinh khu Gangnam, nên liên tục so sánh chúng tôi với đám học sinh ở phía bên kia sông ấy. Sau khi nghe đi nghe lại những lời như thế từ nhiều thầy cô, ngay từ học kỳ đầu tiên của cấp ba lớp tôi đã cảm thấy mình là kẻ thất bại từ lúc nào không hay. Tất cả những gì tôi đã làm chỉ là nghe theo lời thầy cô, thế mà tôi lại không thể nào xoá đi được cái cảm giác mình bị lừa, và mình bị tụt lại sau cả vạch xuất phát rất nhiều. Kiểu như cứ ai làm theo quy tắc và nghe lời thầy cô là sẽ bị đối xử như kẻ ngốc, còn ai nhanh chân đổi hộ khẩu để được xếp vào trường ở Gangnam hoặc không bị dụ dỗ bởi những lời ngon ngọt của thầy cô thì sẽ được xem là học sinh thông minh và có năng lực vậy. 

Nhưng nỗi thất vọng của tôi mới chỉ bắt đầu mà thôi. Càng học lên, nỗi thất vọng mà kiểu giáo dục nhồi nhét chỉ nhằm mục tiêu vào đại học mang đến cho tôi đã không chỉ dừng lại ở việc trường không giỏi hay lớp tôi có thành tích học tập tệ hơn các lớp khác. Buổi sáng phải có mặt ở trường từ bảy giờ rưỡi sáng, đến mười giờ tối mới kết thúc giờ tự học, sau đó cố lê cơ thể mệt mỏi sang phòng đọc. Mỗi lần như vậy tôi không thể nào hiểu được số kiến thức mà tôi đang cố học thuộc lòng này sẽ có ý nghĩa gì và giúp ích được gì cho cuộc sống của tôi. 

Chuyện tôi có suy nghĩ gì, có tài năng gì, có ước mơ gì… gần như hoàn toàn bị phớt lờ. Tất cả như một trò chơi xem ai là người hấp thụ nhanh nhất số kiến thức mà các thầy cô nhồi vào. 

Có một lần đốt lò vào mùa đông, nhìn đám khói đen bốc lên từ ống khói của trường, tôi có cảm tưởng như mình không phải đang ở trường, mà đang ở trong một công xưởng sản xuất vậy. Sàn lớp học bằng bê tông lạnh ngắt, những trận roi đòn dành cho đám học sinh dám từ bỏ cuộc chiến thi đại học, cánh cổng trường đóng chặt, giá trị con người được đánh giá qua điểm số, âm nhạc và mỹ thuật bị xem thường, còn các hoạt động ngoại khoá là trò đùa phí thời gian. 

Trường học giống như một cái máy rập khuôn ra chúng tôi - những sản phẩm giống hệt nhau, chỉ cần học sinh nào chệch khuôn một chút thôi sẽ bị xem là sản phẩm lỗi ngay. Khi ấy ngoài chuyện học trên trường, tôi còn rất nhiều những suy nghĩ và những câu hỏi mang tính tổng thể khác về cuộc sống. Nhưng việc có những suy nghĩ ấy cũng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống giáo dục lấy việc vào đại học là mục tiêu duy nhất, và thế là tôi cũng đã bị đóng một con dấu sản phẩm lỗi lên mình. Kể từ đó, tôi quyết tâm phải thoát ra khỏi hệ thống giáo dục cứng nhắc đến nghẹt thở của Hàn Quốc, rồi sau nhiều khó khăn tôi cũng đặt chân đến Mỹ. Khi ấy tôi chỉ có cảm giác như mình vừa thoát ra khỏi một cái công xưởng sản xuất kiêm nhà tù vậy. 

Không phải vì tôi từng học ở Mỹ, và hiện đang dạy sinh viên ở Mỹ mà tôi muốn nói rằng ngành giáo dục của Mỹ xuất sắc hay nhận xét bi quan về ngành giáo dục Hàn Quốc. Quá trình phát của hai nước khác nhau, chưa kể lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá hai nước cũng khác nhau, nên sẽ rất vô lý để phát xét hình thức giáo dục nào hay và hình thức giáo dục nào dở. Nhưng tôi có vài điều muốn chia sẻ với các bạn học sinh vẫn đang vẫy vùng trong hiện thực bí bách này. 

Thứ nhất, cho dù người khác có cố đánh giá bạn bằng điểm số hay xếp hạng ở trường và luôn đề cao tầm quan trọng của chúng, thì chỉ cần bản thân bạn không nhìn nhận theo cách của họ, điểm số và xếp hạng sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết. Bởi giá trị của mỗi người là do chính người đó quyết định, mặc cho người khác có nói gì đi chăng nữa. Đánh giá giá trị của một người chỉ theo duy nhất một tiêu chuẩn học hành là một chuyện rất buồn cười. Nếu có ai đó đòi đánh giá bạn, hãy mặc kệ và nghĩ “Giá trị của tôi, tự bản thân tôi biết!”

Thứ hai, nếu cố gắng đo đếm và so sánh hạnh phúc của mình và người khác thì bạn sẽ không bao giờ trở nên hạnh phúc. Một sư thầy lớn tuổi hơn tôi có nói: “Khi cuối xuống nhìn thì sẽ thấy có rất nhiều người dưới mình, khi ngước lên nhìn sẽ thấy có rất nhiều người trên mình.” Trên thế gian này có hằng hà sa số những người có điểm số cao hơn ta, có điều kiện tốt hơn ta. Vì vậy nếu bạn lấy hạnh phúc của họ làm tiêu chuẩn hạnh phúc cho mình, thì đến tận lúc chết bạn cũng không thể tìm được hạnh phúc đích thực của mình đâu. Nếu liên tục so sánh mình với người khác, thì bạn sẽ có thể nghĩ rằng “Mình quá bất hạnh” mà thôi. Chúng ta càng ít bận tâm đến người khác thì chỉ số hạnh phúc của chúng ta sẽ càng tăng. 

Thứ ba, bạn cần có dũng khí để tự chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Khi sống theo cuộc sống do người khác định sẵn thì tuy có thể sống an toàn hơn một chút nhưng bạn sẽ không thể trở thành chủ nhân thực sự của cuộc đời mình. Nếu muốn sống cuộc sống của chính mình thì cho dù người khác có nói gì, nhận xét gì, đánh giá gì, bạn phải dũng cảm vượt qua và tìm lấy con đường của riêng mình. 

Thứ tư, đừng chỉ dành thời gian để học theo suy nghĩ của người khác, mà phải tập hỏi bản thân mình nghĩ gì về những suy nghĩ ấy. Việc tiếp thu suy nghĩ của người khác vô điều kiện khiến ta không thể trở thành chủ nhân của tri thức, và những tri thức ấy cũng vô nghĩa, và không có chỗ dùng. Đừng chỉ vì đó là câu nói của một người nổi tiếng, hay của một người học nhiều hơn mình mà nghe theo ngay, bạn phải biết nghi ngờ và tự đặt câu hỏi về câu nói ấy. 

Cuối cùng, nếu muốn có được hạnh phúc thực sự, bạn đừng làm công việc của người khác chỉ, hay người khác bắt bạn làm, mà hãy tìm ra công việc bạn yêu thích và cảm thấy nó có ý nghĩa. Bố mẹ, thầy cô, hay bất kì ai cũng không thể thay bạn sống cuộc sống của bạn. Đa số thời gian của cuộc đời  bạn sẽ là băn khoăn giữa “sống theo ý người khác“ hay “sống theo ý mình”, điều này chỉ một mình bạn có thể quyết định mà thôi. Hãy tự tìm ra thứ bạn thực sự muốn và cảm thấy nó có ý nghĩa, sau đó thực hiện nó. 

Những ngày này, tôi thực sự muốn vỗ về, cổ vũ các bạn trẻ đang gặp nhiều khó khăn và hoang mang như tôi ngày trước.


Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Đại đức Hae Min