Điều mà chúng ta cần phải thực sự nỗ lực

tháng 2 21, 2019 0 Comments A+ a-

Chương 2:  Những mối quan hệ

“Những mối quan hệ xã hội cũng giống như bếp lửa. 
Phải biết điều tiết khoảng cách,
Không nên đến quá gần, cũng không nên đi quá xa.”

Điều mà chúng ta cần phải thực sự nỗ lực

Chúng ta thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền. Nhưng còn với nền tảng cho hạnh phúc thực sự của chúng ta, điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường - “những mối quan hệ tốt”, chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu rồi?

Cho dù có gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu được giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dũng khí to lớn để sống tiếp. 

Ngược lại, cho dù bạn có điều kiện vật chất tốt đến mức nào đi chăng nữa, nếu mối quan hệ của bạn bắt đầu xấu đi thì bạn sẽ rất khổ sở, dễ mắc chứng trầm cảm, thậm chí nếu cảm thấy quá khó khăn và mệt mỏi, bạn có thể sẽ nghỉ đến cả cái chết. 

Nếu bạn đang nỗ lực để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền, vậy chẳng phải bạn cũng nên nỗ lực thật nhiều để tạo được những mối quan hệ tốt? Những mối quan hệ tốt không thể nào tự nhiên hình thành nếu bạn không đầu tư một chút cố gắng nào? Như vậy, làm sao để được sống trong những mối quan hệ tốt đẹp? Làm thế nào để giữ được mối quan hệ hạnh phúc với mọi người thật lâu dài?

Khi tôi còn trẻ, khoảng hai mươi mấy tuổi, tôi có đi du lịch bụi khoảng nửa tháng cùng một vị sư thân thiết, người đã quy y cùng lúc với tôi sai khi cả hai vừa thụ giới. Vì cả hai chúng tôi có quan hệ rất tốt nên tôi đã bắt đầu chuyến đi mà không lo lắng gì cả. Nhưng chỉ sau một tuần, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi, dù cho sự thật là tôi đang đi cùng một vị sư mà tôi rất quý mến. Vậy nên tôi đã đề nghị, ban ngày chúng tôi sẽ đi riêng, đến tối thì gặp lại. Vị sư ấy chắc cũng hiểu suy nghĩ của tôi nên vui vẻ đồng ý. Đi riêng như thế tâm lý mỗi người cũng sẽ thoải mái hơn, khi đi một mình cũng dễ nhớ đến những ưu điểm khi cả hai đi cùng nhau, đến tối về chúng tôi ngồi lại cùng ăn tối và kể lại những chuyện mình đã làm trong ngày nên không hề cảm thấy cô đơn chút nào cả.

Sau đó tôi nhận ra. Điều căn bản thứ nhất để giữ mối quan hệ giữa người với người, là phải biết cách điều tiết ứng xử như cách ta làm với bếp lửa. Nếu đứng quá gần thì bạn sẽ thấy ấm nhưng mau chóng nóng dần, và nếu không cẩn thận sẽ bị bỏng ngay. Ngược lại, nếu đứng quá xa bếp lửa thì sẽ không còn cảm nhận được sự tồn tại của nó nữa và sẽ dần thấy lạnh lẽo. 

Nghĩa là, cho dù có là người hợp tính với mình đến mức nào đi chăng nữa nhưng nếu cứ ở sát cạnh nhau quá lâu, chắc chắn sẽ thấy chán. Ban đầu sẽ rất vui vẻ, nhưng một mối quan hệ cứ bám chặt lấy nhau suốt một thời dài thì không những dễ này sinh cảm giác chán ngấy mà còn dấy lên suy nghĩ mình đang bị khống chế. Với những trường hợp này, mỗi người đều rất cần dành thời gian tạo cho nhau những khoảng không gian riêng về tâm lý. Điều này đúng với mọi mối quan hệ, từ bạn thân, người yêu cho đến mối quan hệ quan trọng nhất, gia đình. 

Điều thứ hai, nếu bạn nghĩ rằng mình đang gặp phải khoảng thời gian khó khăn vì các mối quan hệ, thì hãy nhớ đến câu nói này. 
“Chỉ cần cúi đầu thì sẽ không va phải bất kỳ thứ gì.” 
Đây là lời mà một vị cao tăng đã dạy cho MaengSa Seong, một vị quan văn thời Jo Seon. Maeng Sa Seong nổi tiếng là người có học thức uyên thâm, năm mười chín tuổi ông đỗ trạng nguyên, đến năm hai mươi tuổi được chọn làm quận thú. Đạt được một chức vụ lớn khi tuổi đời còn trẻ, Maeng Sa Seong bắt đầu sinh lòng kiêu ngạo. Đến một ngày nọ, ông tìm đến hỏi chuyện một vị cao tăng nổi tiếng trong quận. 

“Theo sư thầy nghĩ, với tư cách là người cai quản quận này, ta phải lấy gì làm phương châm đây?”
Vị cao tăng trả lời. 
“Chuyện đó không hề khó. Chỉ cần đại nhân không làm chuyện ác và làm nhiều việc thiện là được.“
“Đó là nguyên tắc mà đứa trẻ con ba tuổi cũng biết. Ta đã lặn lội đường xa đến đây, chẳng lẽ ngươi chỉ có câu đó để nói với ta?”

Nói xong câu nói đầy hợm hĩnh ấy, Maeng Sa Seong định đứng dậy ra về. Vị cao tăng liền giữ ông lại uống một tách trà rồi hãy đi. Thế rồi vị cao tăng liên tục rót trà vào tách của Maeng Sa Seong, cho dù nó đã đầy và tràn ra khắp bàn. Khi Maeng Sa Seong thét lên hỏi nhà người đang làm gì vậy, thì vị cao tăng trả lời. 

“Đại nhân biết rằng nước trà tràn ra sẽ làm bẩn sàn nhà, vậy sao đại nhân lại không nhận ra số tri thức dồi dào mà đại nhân có đang làm hỏi nhân phẩm của đại nhân?”

Maeng Sa Seong xấu hổ, vội vàng đứng dậy, mở cửa định bước ra ngoài nhưng vì hấp tấp, đầu ông va mạnh vào khung cửa. Thấy vậy, vị cao tăng mỉm cười và nói. 
“Chỉ cần cúi đầu thì sẽ không va phải bất kỳ thứ gì.”

Trong cuộc sống có những trường hợp chỉ cần hạ mình một chút thì sẽ tìm được cách giải quyết rất dễ dàng trong những mối quan hệ với những người hay làm khó ta. Nhưng chỉ vì lòng tự trọng nhỏ bé của mình mà chúng ta vẫn cố ngẩng cao đầu một cách bướng bỉnh, nhất quyết không chịu thua thì tất dẫn đến những cuộc đối đầu. Có những việc chỉ cần nhún nhường một chút là sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng chỉ vì cãi vã mà tất cả đều cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần và còn lãng phí thời gian. Hơn nữa, khi hai bên cứ cố gắng phân định xem ai đúng ai sai thì sẽ có nhiều người nữa bị kéo vào trận chiến, và đến cả họ cũng cảm thấy mệt mỏi và tổn thương. 

Lấy một ví dụ, nếu như có ai đó đến nói với tôi “Hãy tranh luận với tôi xem tôn giáo của ai là tôn giáo đúng đắn nhất?” thì tôi sẽ lắng nghe tất cả những gì người đó nói, sau đó trả lời “Rất cảm ơn đã dạy cho tôi những điều tôi chưa biết.” Chỉ cần như thế thì cuộc tranh luận sẽ không kéo dài. Nếu tôi quyết tâm nói cho ra nhẽ xem tôn giáo của ai đúng, tôn giáo của ai sai, thì dù tôi có là người chiến thắng đi chăng nữa, tâm trí tôi cũng mệt mỏi mà lòng tự trọng của đối phương cũng bị tổn thương, và thay vì hiểu được bản chất tôn giáo của tôi, sự căm ghét của người ấy sẽ còn lớn hơn nữa. 

Cuối cùng, để tạo và giữ được những mối quan hệ tốt, khi nhận được sự giúp đỡ, lời khen, hay món quà nào đó từ người khác, ta phải ghi nhớ và đền đáp lại họ bằng bất kỳ hình thức nào. 

Ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi “cho và nhận”. “Sự giúp đỡ“ không chỉ là giúp đỡ tài chính, mà còn là giúp đỡ bằng lời nói, tình cảm, hành động. Chúng ta sống và cho đi rồi nhận lại những sự giúp đỡ ấy. Tôi đã nhiều lần gặp trường hợp một người giúp đỡ người khác nhưng không nhận lại được lời nói hay hành động cảm ơn nào nên cảm thấy bị coi thường, và từ đó mối quan hệ giữa họ không thể tiến triển được nữa. Ngược lại, khi giúp một ai đó và thấy đối phương rất cảm kích về hành động của mình, thì ta sẽ càng muốn giúp họ thêm nhiều lần nữa. 

Chuỗi “cho và nhận“ càng dài thì mối quan hệ sẽ càng khăng khít, tình cảm cũng sẽ sâu sắc hơn. Chuyện ta đã cho gì và nhận gì thật ra không quan trọng. Chỉ cần giữa cả hai phía có sự qua lại gắn bó thì cũng đã đủ để làm cho mối quan hệ thân tình và đặc biệt hơn rất nhiều.

Mỗi chúng ta đều lớn lên trong những điều kiện khác nhau, có những kinh nghiệm khác nhau, suy nghĩ và tình cảm cũng khác nhau. Để những con người hoàn toàn khác nhau có thể tạo dựng những mối quan hệ và sống với nhau vui vẻ thật chẳng dễ dàng gì. Cũng giống như việc chăm chút cho vẻ bề ngoài, bạn nên nỗ lực đầu tư cho các mối quan hệ, bởi đó chính là điều kiện cần thiết để hạnh phúc. Trong Bảo vương tam muội niệm cũng có nói “Đừng mong chờ rằng người khác sẽ nghe và phục tùng theo ý của mình”. Nếu tất cả mọi việc điều diễn ra theo ý ta thì ta sẽ rất dễ trở nên tự mãn. Vì vậy hãy sống thật khôn ngoan, hãy nghĩ tất cả những người gây khó dễ cho ta đều là thầy dạy cho ta những bài học về cuộc sống. 

Ngày hôm nay, người làm khổ bạn cũng là thầy của bạn, người làm bạn vui cũng là thầy của bạn đấy.

Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Đại đức Hae Min